Chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 đặt ra mục tiêu tỷ lệ hài hòa hệ thống tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và phấn đấu đạt 75% vào năm 2030.
Theo báo cáo của Tổng cục Tiêu chuẩn – Đo lường – Chất lượng (Bộ Khoa học và Công nghệ), hiện nay hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đang có hơn 13.500 tiêu chuẩn quốc gia (TCVN), bao trùm hầu hết lĩnh vực của nền kinh tế và có tỷ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt hơn 60%.
Dù số lượng tiêu chuẩn quốc gia của Việt Nam đang đứng top đầu ASEAN, tuy nhiên nếu nhìn vào chỉ số hạ tầng chất lượng toàn cầu (GQII), có thể thấy số điểm của Việt Nam là 54, xếp dưới nhiều quốc gia như Trung Quốc đứng thứ 2, Nhật Bản đứng thứ 5, Hàn Quốc đứng thứ 6, Ấn Độ đứng thứ 10, Indonesia đứng thứ 26, Singapore đứng thứ 31, Malaysia đứng thứ 40… Thực tế này phản ánh hoạt động xây dựng tiêu chuẩn quốc gia Việt Nam thời gian qua.
Hiện nay, các TCVN do 13 bộ quản lý chuyên ngành chịu trách nhiệm xây dựng, tuy nhiên các bộ, ngành hiện xây dựng tiêu chuẩn không theo “định hướng dài hạn mà theo kiểu thiếu đâu bù đó hoặc nếu có yêu cầu của Chính phủ thì đưa vào kế hoạch xây dựng TCVN”, dẫn đến tình trạng có một số bộ có kế hoạch xây dựng TCVN bổ sung còn nhiều hơn kế hoạch TCVN hằng năm và đôi khi vẫn còn chồng chéo, trùng lặp đối tượng tiêu chuẩn.
Dự thảo chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 đề ra mục tiêu tỷ lệ hài hòa của hệ thống tiêu chuẩn quốc gia hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 70-75%. Hoàn thành cơ bản hệ thống tiêu chuẩn quốc gia đối với sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực, sản phẩm trọng điểm theo yêu cầu quản lý của các bộ, ngành, địa phương.
Để đáp ứng mục tiêu của Chính phủ, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển công nghiệp hiện đại, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng và ban hành chiến lược tiêu chuẩn hóa. Với việc chiến lược tiêu chuẩn hóa quốc gia đến năm 2030 được ban hành, Việt Nam phấn đấu mục tiêu tỷ lệ hài hòa hệ thống TCVN với tiêu chuẩn quốc tế, khu vực và nước ngoài đạt tối thiểu 65% vào năm 2025 và phấn đấu đạt 75% vào năm 2030.
Các mục tiêu cụ thể đến năm 2025, xây dựng khung kế hoạch xây dựng tiêu chuẩn quốc gia; tối thiểu từ 3-5 bộ, ngành hoàn thành việc lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch này. Đến năm 2030 có 100% các bộ, ngành sẽ tổ chức lập kế hoạch xây dựng TCVN theo khung kế hoạch. Tối thiểu 5% TCVN mới được xây dựng dựa trên kết quả triển khai nhiệm vụ khoa học công nghệ các cấp vào năm 2025 và phấn đấu đến năm 2030 là 10%.
Số lượng TCVN mới được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố được phổ biến áp dụng đạt tối thiểu 70% vào năm 2025 và đến năm 2030 tỷ lệ này có thể đạt tới 80%. Đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ nghiệp vụ tiêu chuẩn hóa cho tối thiểu 60% thành viên Ban Kỹ thuật xây dựng TCVN vào năm 2025 và đến năm 2030 là 100%.
Bên cạnh đó, Việt Nam phấn đấu tham gia thành viên của Hội đồng Tổ chức tiêu chuẩn hóa quốc tế (ISO), trở thành thành viên đầy đủ của Ủy ban Kỹ thuật điện quốc tế (IEC) vào năm 2025 và đến năm 2030, phấn đấu tham gia thành viên Ban Quản lý kỹ thuật của ISO, tham gia từ 5-7 Ban Kỹ thuật IEC; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin hệ thống TCVN, chuyên gia Ban Kỹ thuật TCVN và Ban Kỹ thuật Tiêu chuẩn quốc tế vào năm 2025, đến năm 2030 hình thành hạ tầng số bao gồm hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng dữ liệu về TCVN và Ban Kỹ thuật TCVN được kết nối với bộ, ngành và địa phương.
Việc hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn của Việt Nam hài hòa với thông lệ quốc tế; cập nhật các tiêu chuẩn, quy chuẩn hàng hóa quốc tế thành cơ sở dữ liệu để doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm hiểu, ứng dụng sẽ là những hướng đi, giải pháp hữu ích nhằm giúp hàng hóa Việt Nam dễ dàng vượt qua các rào cản về tiêu chuẩn, quy chuẩn, hàng rào kỹ thuật thương mại khi sang thị trường thế giới.
Theo Doanhnhansaigon